Vinaconex ngược 'bão Covid', nhiều doanh nghiệp vẫn hoàn thành 'mục tiêu kép'

Vinaconex ngược 'bão Covid', nhiều doanh nghiệp vẫn hoàn thành 'mục tiêu kép'

14:04 - 06/04/2022

Vinaconex đón nhận Chứng nhận TOP 10 doanh nghiệp tiêu biểu – Vietnam Award 2021

BenThanh Tourist nhận cú đúp giải thưởng Asia Award 2018
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và ASEAN, TOP 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới
Diễn đàn hội nhập kinh tế ASIA
APEC nhất trí thương mại 'tự do, cởi mở và dự đoán được'
FE CREDIT vinh dự nhận giải thưởng “TOP 10 thương hiệu được tin dùng nhất châu Á” 2019

(VNF) - Trung tuần tháng 11, lễ biểu dương doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức tiêu biểu năm 2021 đã ghi nhận, tôn vinh và cổ vũ các đơn vị, cá nhân có những thành tích tiêu biểu xuất sắc hoàn thành thắng lợi “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. 


Đại diện Vinaconex đón nhận Chứng nhận TOP 10 doanh nghiệp tiêu biểu – Vietnam Award 2021.

Cùng với các đơn vị, cá nhân xuất sắc, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex (HoSE: VCG) đã được vinh danh và đón nhận danh hiệu TOP 10 doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam 2021 – Vietnam Award 2021.

Vừa sản xuất vừa chống dịch

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, VCG ghi nhận doanh thu 3.610 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 535 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2021, VCG có tổng tài sản đạt 30.840 tỷ đồng, tăng 57% so với đầu năm. Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh lĩnh vực xây dựng và bất động sản chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, VCG vẫn liên tiếp trúng thầu nhiều công trình trọng điểm có tổng giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng. Năm 2020, VCG đảm nhiệm thi công 3 gói thầu lớn nhất tại 3 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Tổng giá trị các gói thầu này lên tới 8.000 tỷ đồng, vượt trội hoàn toàn các nhà thầu khác đang thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Ngoài ra, một số dự án quan trọng của thành phố Hà Nội như Dự án nâng cấp, cải tạo bệnh viện K cơ sở I, II, dự án xây dựng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội..cũng được trao cho VCG.

Nối tiếp những thành quả này, từ đầu năm 2021 đến nay, với tư cách nhà thầu độc lập và thành viên liên danh, VCG tiếp tục được lựa chọn thi công gói thầu XL03, đoạn QL 45 - Nghi Sơn, gói thầu XL03 đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu. Nếu tính cả 2 gói thầu này, Vinaconex đã tham gia 5 gói thầu xây lắp tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Nhiều dự án trọng điểm giá trị lớn khác cũng về tay Vinaconex trong năm nay như: 2 gói thầu xây lắp của dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; gói thầu số 37 XL-05 thi công xây lắp công trình thuộc dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng, dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Phú Bài… cùng nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách khác.

Bên cạnh đó, VCG nỗ lực đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình có vốn FDI, điển hình là tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Mikazuki Spa & Hotel Resort, Đà Nẵng (tổng giá trị đầu tư lên tới 100 triệu USD, tương đương 2.400 tỷ đồng) chuẩn bị được bàn giao giai đoạn 2 cho chủ đầu tư Nhật Bản, bất chấp những tác động từ 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng.

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang gấp rút hoàn thành và bàn giao các hạng mục phụ trách đảm bảo an toàn, chất lượng theo đúng tiến độ đã cam kết. Dự án do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Long Sơn do Tập đoàn SCG -Thái Lan làm chủ đầu tư, có tổng vốn đăng ký 5,4 tỷ USD

Dự án đầu tư xây dựng bến cảng tổng hợp Vạn Ninh – Quảng Ninh giai đoạn 1, một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh cũng vừa được khởi công vào cuối tháng 10, có tổng vốn đầu tư lên tới 2.248,5 tỷ đồng, trong đó, Vinaconex đóng góp 40% vốn đầu tư và là tổng thầu thi công.

Dự án khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, Móng Cái (Quảng Ninh) do Vinaconex là chủ đầu tư.

Mạnh tay đầu tư, VCG còn là một trong những đơn vị phát triển bất động sản có tiềm lực lớn nhất hiện nay với quỹ đất lên tới trên 2.000 ha, đặt mục tiêu tăng lên 5.000 ha vào năm 2025, tại nhiều địa phương trên toàn quốc là Hà Nội, TP. HCH, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên….

Tại dự án khu đô thị du lịch Cát Bà – Amatina quy mô 172ha tại đảo Cát Bà, tổng mức đầu tư gần 6 tỷ USD, phân khu biệt thự đang được đẩy mạnh triển khai thi công phần thô. Các hoạt động thi công hạ tầng dự án khu dân cư đô thị tại km3, km4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái cũng đang được gấp rút thực hiện, dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường vào cuối năm nay đầu năm sau.

Dự án khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ cũng hứa hẹn sẽ có điểm rơi lợi nhuận trong năm 2022. Một số dự án tiêu biểu khác như dự án khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, dự án khu đô thị du lịch Phú Yên –Quảng Nam…

Tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ Green Diamond – 93 Láng Hạ (Hà Nội) cũng đang hoàn thiện nhà mẫu và chuẩn bị mở bán, là một trong những sản phẩm bất động sản được VCG định vị trong phân khúc cao cấp.

Đáng chú ý, với sự thay đổi lớn đến từ cơ cấu cổ đông trong thời gian qua, tư duy quản trị và điều hành của VCG cũng được đổi mới và liên tục cải tiến, minh bạch, mang lại cơ cấu chi phí hợp lý và tỷ suất lợi nhuận lớn cho Vinaconex.

VCG có thể lọt rổ ETF trong kỳ cơ cấu tháng 12?

Vào ngày 3/12 tới đây, FTSE Vietnam Index - chỉ số cơ sở của FTSE Vietnam ETF sẽ công bố danh mục định kỳ lần thứ 4 trong năm 2021. Sau đó 1 tuần, rạng sáng 10/12, MVIS Vietnam Index, chỉ số cơ sở của Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) cũng sẽ công bố danh mục.

Với MVIS Vietnam Index, MBKE dự báo rổ chỉ số này sẽ không loại cổ phiếu Việt Nam nào và có thể thêm mới HDC và VCG. Nếu được thêm vào danh mục, HDC sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% và VCG chiếm 1% tỷ trọng.

Khi đó, ước tính VNM ETF sẽ mua vào 803 nghìn cổ phiếu HDC và mua 1,9 triệu cổ phiếu VCG.

Hai quỹ FTSE Vietnam ETF và VNM ETF sau đó sẽ hoàn tất cơ cấu danh mục trong ngày 17/12. Với tổng quy mô danh mục hiện lên tới 1 tỷ USD, hoạt động cơ cấu của 2 quỹ ETF kể trên ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới biến động thị trường.

Năm 2021, VCG là đại diện duy nhất trong lĩnh vực xây dựng, cùng với các mã ngân hàng là MSB, LPB, EIB và VIP đã lọt vào danh mục cổ phiếu dự phòng cho VN30. Trong đó, khối lượng lưu hành tính chỉ số của VCG đạt 438,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ tự do lưu hành là 45%, mức tương đương với các ngân hàng như VIB.

Việc là một trong 5 cổ phiếu dự phòng cho VN30 sau gần 1 năm chuyển sàn từ HNX sang HOSE đã cho thấy cổ phiếu VCG thu hút sự quan tâm của thị trường và các nhà đầu tư.

Thời gian qua, VCG duy trì thị giá ở mức khá hấp dẫn. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/11, VCG đóng cửa đạt 49.250 đồng/cổ phiếu (tăng 3,4%), giá cao nhất trong phiên đạt 50.600 đồng/cổ phiếu. Hiện nay, cổ phiếu VCG đã tăng gần 18,4% so với thời điểm cuối tháng 10/2021.

Có thể thấy, VCG đã nỗ lực phi thường trong giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, khi tiếp tục duy trì các hoạt động đầu tư, không để đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh, hạn chế “ngủ đông”, nhằm chuẩn bị động lực để ngay khi khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhà đầu tư kỳ vọng với tiềm lực vững mạnh, doanh nghiệp có thể bứt phá về doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới.